Phong tục thờ chó đá có từ thời xa xưa, khi những gia đình giàu có thường đặt chó đá trước cửa để canh giữ nhà để thể hiện phú quý, uy quyền của gia chủ. Ngoài ra, người còn sử dụng cho đó để tránh được những hiểm họa do thế đất xấu gây ra hay dùng để xua đuổi tà ma.
Phong tục thờ chó đá của người Việt
Trong phong tục thờ chó đá, quan niệm rằng: “chó là con vật trung thành và mang lại nhiều may mắn”. Vì thế mà phong tục thờ chó đá được biểu hiện dưới nhiều hình thức. Người Việt thường chôn chó đá trước cổng như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ và coi như một bậc thần linh.
Chó đá trong nhà thường nhỏ, mang dáng vẻ hiền lành, không to lớn như chó đá ở đình, đền, phủ. Trong khi nhiều công sở, di tích đền chùa sử dụng linh vật ngoại lai như sư tử, voi để gác cửa thì ở nhiều địa phương người dân vẫn giữ tục chôn chó đá trước cửa, thậm chí thờ và kính cẩn gọi là cụ Thạch, Thần cẩu, quan lớn Hoàng Thạch.
Phong tục thờ chó đá ở đâu?
Phong tục thờ chó đá khá phổ biến ở nông thôn, các vùng quanh Hà Nội như: Hà Tây (cũ), Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… Sau năm 1954, ở mé Nam ngã tư Trung Hiền (phố Đại La tiếp giáp với Minh Khai, Hà Nội ngày nay) có con chó đá khá lớn trấn giữ nên nơi đây còn được gọi là cửa ô Chó Đá.
Qua thời gian, chó đá không còn và tên cửa ô này chỉ tồn tại trong tâm trí rất ít người sống gần đó. Ở mỗi vùng, hình thức thờ chó đá cũng khác nhau. Người Tày, Nùng một số nơi ở Lạng Sơn có tục chọn ngày tốt để đặt con chó đá trước cửa trông nhà và trừ tà ma. Với người Dao, hình ảnh con chó được biểu hiện trên trang phục. Người Pa Cô trong tộc người Cơ Tu còn kiêng giết thịt, coi con chó như vật tổ truyền. Ngày nay, người Việt một số nơi không chôn chó đá ở trước cửa nhưng vẫn mua chó gốm về để bày trong nhà, vừa xua đuổi tà ma, vừa làm vật trang trí.
Nhiều tài liệu lịch sử cũng ghi chép việc thờ cúng chó đá. Cuốn Lịch triều Hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết “Nghi môn ở điện Lam Kinh có hai con chó đá rất thiêng” ở phần Dư địa chí ghi chép về trấn Thanh Hoa. Trong cuốn Việt Nam Văn hóa sử cương, học giả Đào Duy Anh từng nhắc: “Xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để cho người ngoài đừng nhìn thẳng vào trung tâm nhà.
Người ta cũng thường kiêng không để cho có con đường đâm thẳng vào nhà, hay là có đền chùa ở trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương ở trên cửa chính để yểm tà khí”. Người xưa quan niệm chó đến nhà là tốt nên nhiều nơi thờ cúng không chỉ trước đây mà còn ở giai đoạn cận, hiện đại.
Phong tục thờ chó đá vẫn luôn còn đó, ngộ nghĩnh đáng yêu hay oai phong, trầm mặc, vẫn luôn song hành với tâm thức của mỗi người dân đất Việt lưu giữ cái phong vị, cổ truyền trong bản sắc Việt Nam.
>> Có thể bạn quan tâm:
- Phong tục thờ cúng của người Hoa có gì đặc sắc so với người Việt
- Ý nghĩa phong tục thờ mía ngày Tết của người dân Việt